Kỹ năng quan sát là gì? 7 cách làm chủ kỹ năng quan sát

by Huyen Hoang
0 comment 435 views

Kỹ năng quan sát là gì? Làm thế nào để ứng dụng kỹ năng quan sát vào cuộc sống hàng ngày một cách hiệu quả nhất? Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc trên cũng như chia sẻ những phương pháp ưu việt nhất giúp bạn làm chủ kỹ năng quan sát.

Trong cuộc sống, ít khi nào chúng ta được người khác mách bảo, chỉ việc tận tay hay khuyên nhủ từng thứ. Hầu hết trong 99% trường hợp diễn ra hằng ngày, bạn đều cần tới sự quan sát tốt để tự xử lý mọi tình huống. Làm chủ được kỹ năng quan sát, bạn sẽ biến mọi cuộc giao tiếp cũng như công việc hàng ngày trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn.

Làm chủ kỹ năng quan sát không khó, nhưng quá trình này cần sự tỉ mỉ và tập luyện hàng ngày. Để hình dung dễ dàng hơn, hãy tìm hiểu ngay bài viết dưới đây nhé!

Kỹ năng quan sát là gì?

Kỹ năng quan sát là gì?

Kỹ năng quan sát là gì?

“Người đọc biết nhiều nhưng người quan sát còn biết nhiều hơn” – Alexander Dumas con.

Kỹ năng quan sát là khả năng nhìn nhận, phân tích sự vật, hiện tượng, tình huống một cách chi tiết nhằm đưa ra những phán đoán, cách xử lý phù hợp nhất trong các hoạt động, sự việc hàng ngày. Kỹ năng quan sát không chỉ đơn giản là “nhìn”, nó tập trung nhiều hơn vào việc “nhìn” có chủ đích và vận dụng phân tích giải quyết tình huống.

Không có bất kỳ ngành nghề nào mà không đòi hỏi kỹ năng quan sát. Nếu bạn là một bác sĩ, bạn sẽ cần quan sát xem bệnh nhân có biểu hiện gì, vết thương nông hay sâu,… Nếu bạn là một kỹ sư, bạn cần quan sát xem ngôi nhà này nên nằm theo hướng nào, xây ở đâu,… Bạn thấy đấy, kỹ năng quan sát sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển nghề nghiệp của một con người.

Kỹ năng quan sát cũng đi kèm với kỹ năng ghi nhớ và phân tích. Bạn có thể thu vào tầm mắt tất cả mọi thứ bạn đang thấy, nhưng bạn lại không thể định vị được một đồ vật bạn cần tìm gấp, hay đưa ra được một cách sắp xếp nào tốt hơn. Sự quan sát lúc này sẽ trở nên vô nghĩa.

Kỹ năng quan sát là một quá trình vận dụng mọi giác quan để cảm nhận, nhìn ngắm, phân tích và đưa ra giải pháp. Một khi bạn làm chủ được kỹ năng này, bạn sẽ không bỏ lỡ thông tin và trở nên nhanh nhạy hơn trong bất cứ môi trường nào.

Tầm quan trọng của kỹ năng quan sát

Như đã đề cập, kỹ năng quan sát là điều kiện cần trong mọi ngành nghề cũng như trong giao tiếp hàng ngày, giúp cho bạn có được những đánh giá và nhận định chính xác hơn về một sự vật hoặc hiện tượng nào đó xảy ra.

Khi có kỹ năng quan sát trong giao tiếp, bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu được những tâm tư, tình cảm, mong muốn, thái độ của đối phương. Thông qua quan sát cử chỉ, thái độ, ánh mắt, trang phục, bạn sẽ biết được họ đang vui, buồn, giận dữ, mệt mỏi hay chán nản,.. từ đó đưa ra được những cách xử sự hợp lý.

Kỹ năng quan sát sẽ bổ trợ tích cực cho kỹ năng công sở. Có một sự thật rằng, trong các tổ chức, các doanh nghiệp, cơ quan, người có kỹ năng quan sát sẽ càng được cấp trên cũng như đối tác trân trọng và ưu ái, dễ thăng tiến trong sự nghiệp.

Kỹ năng quan sát bổ trợ tích cực cho kỹ năng công sở

Kỹ năng quan sát bổ trợ tích cực cho kỹ năng công sở

Hãy nhìn vào những người sếp mẫu mực của bạn hoặc những người có sự nghiệp ấn tượng, không phải tự nhiên mà họ có thể quán xuyến công việc một cách hợp lý, có những mối quan hệ chất lượng, đưa ra những quyết định mà không làm người khác phật lòng. Một trong những yếu tố quan trong giúp họ làm được điều đó chính là sự quan sát.

Ngược lại, nếu không có kỹ năng quan sát, bạn sẽ dễ trở thành một người hậu đậu, lãnh cảm, không nhận được sự tín nhiệm và mất rất nhiều công sức mới có thể đạt được mục tiêu.

Bạn đi chung với một nhóm bạn 5 người, bạn trò chuyện rôm rả cùng 2 người, 2 người còn lại ngồi im lặng vì không cùng chủ đề, đó là thiếu sự nhạy bén do không quan sát. Trên bàn tiệc 5 người, đĩa tôm có 5 con, bạn một mình ăn 2 con, đó là thiếu sự quan sát và bất lịch sự.

Bạn thấy một ông cụ mới lên xe buýt nhưng hết ghế, bạn đứng dậy nhường cụ chỗ ngồi. Bạn vừa nhận quyết định thăng chức, nhưng đồng nghiệp đang gặp khó khăn trong công việc, bạn không khoe mẽ chuyện vui của bản thân trước mặt họ. Ông cụ trên xe buýt và đồng nghiệp chắc chắn sẽ yêu mến bạn, bởi bạn biết đồng cảm và thấu hiểu, chính là do có kỹ năng quan sát.

Có óc quan sát, bạn sẽ đạt được một phẩm chất cao hơn, đó là sự tinh tế. Bạn sẽ biết cách xử lý tình huống sao cho nhận được thiện cảm của người đối diện, tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp hơn trong mắt mọi người.

7 phương pháp giúp bạn làm chủ kỹ năng quan sát

Vậy rèn luyện kỹ năng quan sát như thế nào để phát huy được hiệu quả? Hãy đọc và áp dụng 7 phương pháp làm chủ kỹ năng quan sát dưới đây nhé!

1. Hiểu rõ mục đích quan sát

Hiểu rõ mục đích quan sát

Hiểu rõ mục đích quan sát

Mỗi cuộc giao tiếp hay công việc bạn làm hàng ngày đều hướng tới một mục đích, mục tiêu cụ thể. Bạn cần gặp đối tác để thuyết phục ký hợp đồng? Bạn cần tìm địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện cho công ty? Hiểu rõ mục đích của bạn, bạn mới có thể bắt đầu quan sát và phân tích để làm sao công việc đạt được hiệu quả tốt nhất!

Bạn có thể thực hiện bước này bằng cách note lại công việc cần làm mỗi ngày trong điện thoại hoặc giấy note. Ví dụ bạn cần tìm địa điểm tổ chức sự kiện cho công ty với quy mô 50 người, bạn sẽ cần tìm các địa điểm phù hợp và quan sát số lượng bàn ghế, sân khấu, hệ thống loa đài,…Tương tự, nếu bạn mới vào một công ty mới, bạn muốn thân thiết hơn với mọi người trong phòng, hãy quan sát bàn làm việc để hiểu những sở thích của họ.

2. Luôn đặt câu hỏi khi cần thiết

Khi nhìn thấy điều gì đó khác lạ, hãy luôn đặt câu hỏi Tại sao? Làm thế nào? Liệu kết quả tiếp theo là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu tiếp tục như thế này? Hãy tìm ai đó có thể tự trả lời cho mình, hoặc tự mình tìm hiểu bằng cách tư duy, lên mạng tìm hiểu,…

Luôn đặt câu hỏi khi cần thiết

Luôn đặt câu hỏi khi cần thiết

Một nguyên tắc trong đặt câu hỏi đó là bạn hãy hỏi theo công thức 5W + 3H. 6W bao gồm: WHO, WHAT, WHERE, WHEN, WHY và 5H bao gồm How, How much và How many. Tùy vào hoàn cảnh, hãy hỏi những người xung quanh hoặc người bạn tin tưởng để được giải đáp. Ví dụ, nếu bạn lạc đường, hãy quan sát xung quanh để định vị vị trí, sau đó hòi những người xung quanh để được chỉ dẫn.

3. Tập trung và không phán xét

Để quan sát tốt và khách quan nhất, bạn cần tập trung cũng như có tâm thế trung lập. Nếu bạn đưa cảm xúc cá nhân vào việc quan sát, điều này vô tình sẽ gây ra sự thiên vị, dễ dẫn tới những hành vi không đúng đắn và nhầm lẫn. Một người quan sát tốt sẽ nhìn nhận mọi thứ theo chính cái cách chúng đang diễn ra.

Ví dụ, trong thực tế có rất nhiều nhân viên bán hàng tại các cửa hàng thời trang tỏ thái độ coi thường, bất lịch sự đối với những khách hàng mà họ đánh giá là quê mùa qua vẻ bề ngoài, cho rằng những người này không có tiền và chỉ làm mất thời gian của bạn.

Nhưng thực tế, việc làm này là cực kỳ sai trái cũng như gây phản cảm, khó chịu cho khách hàng. Thương hiệu cũng sẽ mất đi một khách hàng tiềm năng và bị quay lưng, thậm chí có thể đăng đàn tố cáo trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến danh tiếng thương hiệu.

Trong môi trường công sở, bạn cần cần sự tập trung và trung lập khi quan sát để tránh đãn tới những hiểu lầm không đáng có hoặc đưa những câu chuyện bình thường trở nên nghiêm trọng và đi quá xa.

4. Quan sát từ toàn cảnh tới chi tiết nhỏ nhất

Quan sát từ toàn cảnh tới chi tiết là yếu tố quan trọng trong việc quan sát, giúp bạn không bỏ quan những yếu tố quan trọng. Yếu tố này đặc biệt quan trọng đối với những nghiệp vụ cần sự quan sát tỉ mỉ như công an, bác sĩ, kỹ sư, tổ chức sự kiện…

Quan sát từ toàn cảnh tới chi tiết nhỏ nhất

Quan sát từ toàn cảnh tới chi tiết nhỏ nhất

Riêng đối với giao tiếp, quan sát ngôn ngữ cơ thể là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp bạn đạt được mục đích. Khi bạn giao tiếp với người đối diện, ngôn ngữ chỉ chiếm 7%; giọng điệu chiếm 38%, còn quan trọng nhất là ngôn ngữ cơ thể với 55%. Nhìn vào ngôn ngữ cơ thể của người đối diện, bạn sẽ dễ dàng mở khóa được cảm xúc, suy nghĩ, thái độ của họ.

Ví dụ, khi bạn đang trao đổi nhưng người đối diện bạn ngồi chống cằm và gù lưng, điều này cho thấy họ đang chán với những gì bạn đang trình bày, bạn cần thay đổi cách diễn đạt để tạo hứng thú.

Khi bạn thấy đối phương khoanh tay và ngả người ra sau, có nghĩa rằng họ chưa thực sự mở lòng và còn hoài nghi về những điều bạn chia sẻ. Khi họ đưa tay ra sau gáy và liên tục nhìn qua chỗ khác, họ đang có điều gì đó gấp hoặc đang không thành thật,…

Tương tự, bạn có thể quan sát người đối diện qua nét mặt, hơi thở, ánh mắt, hướng bàn chân,.. để hiểu rõ hơn đối phương trong cuộc giao tiếp nhé!

5. Nâng cao khả năng phản biện

Phản biện là một trong những yếu tố quan trọng của kỹ năng quan sát. Điều này phụ thuộc vào khả năng đặt câu hỏi, liên kết thông tin và phân tích những điều bất thường mà bạn có được từ việc quan sát. Qua đó, bạn có thể tìm ra sơ hở trong lời nói của đối phương, hoặc tìm ra sự bất hợp lý của sự việc, giúp bạn giải quyết công việc một cách thông minh hơn.

6. Rèn luyện khả năng ghi nhớ

Ghi chú để rèn luyện khả năng ghi nhớ sau quan sát

Ghi chú để rèn luyện khả năng ghi nhớ sau quan sát

Bạn có từng cảm thấy bất ngờ và cảm kích khi một người nào đó nhớ được tên bạn dù hai người mới chỉ gặp nhau vài lần, hoặc đúng một lần hay không? Và bạn sẽ cảm thấy thật tệ khi cần nhớ một điều gì đó, hoặc gặp một sự vật, người nào đó bạn đã từng thấy hoặc gặp một vài lần thì lại không thể nhớ được. Do vậy, khả năng ghi nhớ sẽ là công cụ giúp bạn tối ưu kỹ năng quan sát của mình.

Khi quan sát một điều gì đó, bạn hãy ghi lại những điểm quan trọng để ghi nhớ. Ví dụ như khi khảo sát địa điểm tổ chức sự kiện, hãy ghi lại diện tích, số lượng bàn ghế, chất liệu,… của những nơi bạn đến khảo sát.

Để nhớ một người, hãy tập trung vào những điểm nổi bật như vóc dáng, gương mặt, hoặc chức vụ,.. Bạn có thể lưu tên họ cùng với chức danh hoặc từ gì đó dễ gợi nhớ để không bất ngờ mỗi khi nhận được cuộc gọi. Bạn cũng có thể ghi lại ngày lễ, ngày sinh nhật đặc biệt,.. của những người xung quanh để chuẩn bị cho những dịp đặc biệt nhé.

7. Tăng cường những trải nghiệm thực tế

Tăng cường kỹ năng quan sát bằng những trải nghiệm thực tế

Tăng cường kỹ năng quan sát bằng những trải nghiệm thực tế

Mẹo cuối cùng trong 7 phương pháp rèn luyện kỹ năng quan sát là hãy có những trải nghiệm thực tế. Lý thuyết về kỹ năng quan sát có nhiều vô kể và bạn có thể tìm thấy nó ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, nếu không có môi trường để bạn va chạm, tiếp xúc và quan sát, bạn không thể nâng cao được kỹ năng của mình.

Hãy bắt đầu với căn phòng và ngôi nhà của chính bạn. Hãy đứng lên và quan sát căn phòng của mình để biết liệu có điều gì bạn cần phải thay đổi. Góc học tập thiếu sáng? Sách vở chưa gọn gàng? Hãy bắt đầu quan sát và thay đổi từ những điều nhỏ nhất.

Sau đó, hãy bắt đầu với môi trường công việc. Nếu bạn chưa đi làm, hãy đảm bảo tinh tế trong các mối quan hệ bạn bè, thầy cô bằng việc ứng dụng kỹ năng quan sát. Nếu đã ở trong môi trường cơ quan, công sở, hãy vận dụng kỹ năng quan sát nhiều hơn để có thêm những bài học nhằm giải quyết công việc một cách tốt nhất.

KẾT LUẬN

Vậy là bạn đã biết được thế nào là kỹ năng quan sát, cũng như có trong tay 7 phương pháp rèn luyện kỹ năng quan sát rồi đó!

Với cuộc sống xã hội ngày càng đòi hỏi sự nhanh nhạy trong giao tiếp, ứng xử, kỹ năng quan sát sẽ ngày càng trở nên quan trọng và cần được chú trọng rèn luyện. Với kỹ năng quan sát, bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu được người khác cũng như nhận được sự tín nhiệm, yêu mến từ mọi người xung quanh.

Dù rằng, chỉ riêng kỹ năng quan sát sẽ không thể đem lại cho bạn tất cả mọi thứ bạn muốn. Nhưng khi làm chủ được kỹ năng quan sát, những mục tiêu trong giao tiếp hàng ngày và cả mục tiêu nghề nghiệp của bạn sẽ ngày càng gần hơn, bởi bạn đã có trong tay vũ khí là sự nhạy bén và khả năng phân tích siêu việt.

‼️Đừng quên tham gia hội Chuyện Học Chuyện Hành Để truy cập kho thư viện “Siêu To Khổng Lồ” miễn phí và cập nhật các kiến thức mới nhất cũng như thảo luận cùng chúng mình. Cheers!

Keywords

Kỹ năng quan sát,

kỹ năng quan sát là gì,

kỹ năng quan sát trong giao tiếp

 

 

 

You may also like

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x